Dinh dưỡng đối với người bệnh đái tháo đường rất quan trọng, đóng vai trò cốt yếu trong ổn định đường huyết, hỗ trợ quá trình điều trị. Chính vì vậy, chế độ dinh dưỡng của người bệnh cần tuân thủ đúng 5 nguyên tắc ăn uống cho người bệnh tiểu đường dưới đây.
Nguyên tắc 1: Các bữa ăn cố định lượng thức ăn và thời gian ăn
Đối với người bệnh, tính ổn định trong chỉ số đường huyết rất quan trọng mà thực phẩm lại là yếu tố tác động rất lớn. Chính vì vậy, chế độ ăn uống của họ cũng phải có tính ổn định, đôi khi là cố định.
Hiểu một cách đơn giản, người bệnh sẽ cần có những bữa ăn có lượng thức ăn, calo như sau trong cùng một khoảng thời gian. Cụ thể, bữa sáng của tất cả các ngày sẽ có lượng calo như nhau, tương tự với bữa trưa, bữa tối, bữa phụ. Các khung giờ ăn uống cũng được thống nhất giống nhau ở tất cả các ngày sao cho phù hợp với thời gian uống thuốc hoặc tiêm insulin.
Khi lên kế hoạch dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường, đây là nguyên tắc đầu tiên phải nhớ đến. Với nguyên tắc này, chúng ta sẽ có một khung kế hoạch, gần tương tự như thời khóa biểu ăn uống. Đọc qua nguyên tắc này có thể khiến nhiều người cảm thấy bị gò bó và giới hạn. Tuy nhiên, chỉ khi lượng đường nạp vào cơ thể được duy trì ổn định, trong tầm kiểm soát thì quá trình điều trị mới có được sự hiểu quả.
Nguyên tắc 2: Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng.
Tương tự như nguyên tắc trên, nguyên tắc 2 cũng hướng đến sự cân bằng và ổn định trong dinh dưỡng, nhằm tạo ra tác động tích cực đến chỉ số đường huyết. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể của người bệnh trở nên mất cân bằng khi lượng đường trong máu quá cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Để ổn định lại đường huyết, chúng ta cần có một chế độ giảm đường, tinh bột, chất béo có hại mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng.
Một chế độ ăn cân bằng sẽ cần đầy đủ các nhóm chất: carbohydrate (tinh bột – đường – chất xơ), Protein (chất đạm), chất béo, vitamin và khoáng chất. Trong đó, các nhóm chất cần có định lượng đảm bảo đủ theo khuyến nghị y tế. Quan trọng nhất là lượng carbohydrate, chất dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số đường huyết.
Cụ thể, đầu tiên là chúng ta cần giảm tối thiểu lượng đường dung nạp vào cơ thể và tăng cường chất xơ. Đối với tinh bột, chúng ta sẽ có tinh bột đơn và tinh bột phức hợp. Tinh bột đơn là nhóm chất cần loại bỏ vì chúng được tiêu hóa nhanh, làm tăng chỉ số đường huyết nhanh. Thay vào đó, hãy chọn tinh bột phức hợp trong các loại thực phẩm như rau xanh, ngũ cốc, đậu, ngô, khoai lang, bí đỏ
Nguyên tắc 3: Tăng cường chất xơ
Tăng cường chất xơ là người bệnh tiểu đường biết đến đầu tiên trong chế độ ăn đặc biệt của mình. Hiểu một cách chính xác thì chất xơ rất tốt trong quá trình điều trị bệnh vì chúng có khả năng khống chế lượng đường, mỡ máu và tốt cho huyết áp. Cả 3 vấn đề trên đều liên quan trực tiếp đến việc hồi phục của người bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, nó lại là nguyên tắc thứ 3, đi sau 2 nguyên tắc trên. Bởi lẽ, dù tốt nhưng lượng chất xơ tiêu chuẩn cho một người mỗi ngày chỉ nằm trong khoảng nhất định và cần có sự cân đối với những chất dinh dưỡng khác. Ăn quá nhiều hay mất kiểm soát lượng chất xơ có thể gây hại cho hệ tiêu hóa, dẫn đến táo bón, rối loạn đường ruột, giảm khả năng hấp thụ protein.
Lượng chất xơ tiêu chuẩn cho một người trưởng thành được khuyến nghị trong khoảng 20-50g mỗi ngày, không nên nhiều hơn.
Nguyên tắc 4: Sử dụng các phương pháp nấu ăn lành mạnh
Phương pháp nấu ăn càng đơn giản càng giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng của thực phẩm. Vậy nên các phương pháp nấu ăn lành mạnh thường không qua nhiều bước chế biến, hạn chế gia vị và ưu tiên các loại gia vị tự nhiên. Cụ thể, chúng ta cần lưu ý những điểm sau:
– Sử dụng dầu/mỡ thực vật thay vì động vật: Ưu tiên dầu đậu phộng, dầu hạt cải, dầu đậu nành, dầu hướng dương,… và tránh sử dụng mỡ lợn, bơ, v.v.
– Sử dụng các phương pháp nấu ăn ít chất béo như chần, hấp, hầm, nướng và xào với ít dầu, … Tránh sử dụng các phương pháp nấu ăn nhiều chất béo như áp chảo và chiên ngập dầu.
– Loại bỏ mỡ và da của thịt và gia cầm trước khi nấu để giảm lượng chất béo hấp thụ.
– Giảm sử dụng gia vị có đường như mật ong, tương cà.
– Sử dụng nhiều gia vị tự nhiên, ít đường và ít natri như gừng, hành lá, tỏi, tiêu bột, nước chanh, giấm.
– Tránh sử dụng nhiều bột ngô và bột mì, những chất có nhiều carbohydrate, để chế biến nước sốt hoặc nước thịt.
Nguyên tắc 5: Lập kế hoạch dinh dưỡng riêng
Dù là cùng điều trị bệnh tiểu đường nhưng mỗi người lại có thể trạng khác nhau, vậy nên chế độ, kế hoạch dinh dưỡng cũng nên được thiết lập riêng. Nguyên tắc này không yêu cầu bạn phải lên một kế hoạch dinh dưỡng hoàn toàn khác với mọi người. Mà mục đích của nó là nhắc nhở chúng ta không nên “dùng lại” hoàn toàn kế hoạch dinh dưỡng của một người khác. Chúng ta có thể tham khảo nhưng nên điều chỉnh nó cho phù hợp với thể trạng sức khỏe và quá trình điều trị của chính mình.
Nguyên tắc ăn uống cho người bệnh tiểu đường được thiết lập để định hình chế độ dinh dưỡng, cũng như nhắc nhở bệnh nhân về cách chăm sóc và cải thiện sức khỏe bản thân. Việc tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh tiểu đường ổn định đường huyết tốt hơn, tăng hiệu quả cho quá trình điều trị và hạn chế được các biến chứng sau này.