Hiện nay chương trình đào tạo tại các trường Cao đẳng Y Dược thời gian học thực hành chiếm đến 70%, 30% còn lại sẽ giảng dạy lý thuyết cho sinh viên. Bên cạnh đó, đối với những sinh viên năm cuối sẽ được nhà trường lên kế hoạch hoạch đi thực tập lâm sàng tại các Bệnh viện hoặc Trung tâm Y tế lớn trong thành phố. Mục đích đi thực tập lâm sàng nhằm giúp cho sinh viên củng cố được kiến thức chuyên ngành, nâng cao tay nghề, trau dồi kỹ năng giao tiếp trong ngành.

Vì vậy, việc sinh viên trang bị cho mình những kinh nghiệm trong thời gian đi thực tập lâm sàng là rất quan trọng. Khoảng thời gian này sẽ giúp sinh viên tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề cũng như trong quá trình giao tiếp với bệnh nhân và đồng nghiệp.

chuẩn bị gì khi đi thực tập tại bệnh viên
Sinh viên Điều dưỡng cần chuẩn bị gì khi đi thực tập tại bệnh viên

Thực hành lâm sàng gắn liền với sinh viên Y khoa. Nói đến sinh viên Y là nói đến bệnh viện, nói đến lâm sàng, nói đến những buổi trực. Những ngày đầu mới đi bệnh viện, sinh viên còn có rất nhiều bỡ ngỡ. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp sinh viên Điều dưỡng có cách học phù hợp hơn và thích nghi nhanh hơn với môi trường bệnh viện.

1. Kinh nghiệm đi thực tế lâm sàng đạt hiệu quả

1. 1. Kiến thức và y đức

Thực tập lâm sàng sẽ là khoảng thời gian quý giá nhất trong quãng đời sinh viên, nhằm giúp các các bạn có thể củng cố được những kiến thức, áp dụng khối lượng kiến thức mình nắm được vào trong những tình huống thực tế tại bệnh viện/ Trung tâm Y tế. Do đó mỗi bạn sinh viên phải tự trang bị cho mình kiến thức chuyên môn, ngoài các kiến thức được trang bị trong quá trình học tập các bạn cần phải tự tìm hiểu và nắm bắt thêm các kiến thức khác qua các kênh thông tin như sách báo, internet, qua anh chị đi trước… Chỉ khi nào nắm vững được kiến thức lúc đó chúng ta mới tự tin để bước vào môi trường đầy áp lực như bệnh viện, trung tâm y tế.

Như chúng ta đã biết nghề Y là một nghề cao quý trong những nghề cao quý đã được xã hội thừa nhận và trân trọng, vì vậy mỗi bạn sinh viên phải xác định “Lương y như từ mẫu”, “Y đức” phải được đặt lên hàng đầu.

1.2. Mục tiêu

Nhằm có được một kỳ thực tập lâm sàng hiệu quả thì bước cơ bản đầu tiên sinh viên cần phải lên kế hoạch, cần xác định được bản thân mình sẽ được được những gì sau khi kết thúc khóa thực tập. Khi đó, các bạn sẽ có động lực cố gắng, kiểm soát tốt được công việc trong thời gian đi thực tập.

1.3. Nội quy

Thực hiện nghiêm chỉnh những yêu cầu từ phía Trưởng khoa hay những người trực tiếp hướng dẫn mình.

Hãy đi đúng giờ, tuyệt đối không được bỏ trực hoặc nghỉ trực, cần có tác phong chuẩn mực, ăn mặc gọn gàng và sạch sẽ, mặc đồng phục áo Blouse, mũ và khẩu trang Y tế, theo thẻ sinh viên. Hạn chế sử dụng điện thoại khi đi thực tập. Tuyệt đối không được bỏ trực.

1.4. Trang phục

Mặc áo quần blouse, đội mũ, mang khẩu trang, đeo thẻ sinh viên theo quy định. Đầu tóc gọn gàng, không để móng tay dài, không mặc quần áo blouse ra ngoài khi vực bệnh viện.

1.5. Sổ lâm sàng

Quá trình ghi nhớ thôi vẫn chưa đủ bởi sau này các bạn có thể sẽ bị quên, do đó việc mang theo một cuốn sổ bên mình để ghi chép lại toàn bộ nội dung là rất cần thiết khi đi thực tập. Đặc biệt, khi tạo ra cho mình được một thói quen ghi chép tốt sẽ giúp các bạn có thể quản lý tốt công việc của mình hơn.

Mỗi sinh viên nên có một quyển sổ bỏ túi khi đi lâm sàng để ghi chép thông tin, những điều học được và ghi chú cần thiết. Nó sẽ như “người bạn đồng hành” cùng sinh viên trong thời gian đi thực tập.

1.6. Giao ban lâm sàng

Đây là cơ hội để sinh viên học được những bệnh mới, ôn lại được những kiến thức cũ, học hỏi được cách làm bệnh án, kế hoạch chăm sóc, học hỏi được kinh nghiệm của các bác sỹ, điều dưỡng và bạn bè.

1.7. Kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân và nhân viên y tế

Công việc chính của các Điều dưỡng viên không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sức khỏe, theo dõi tình trạng bệnh lý cho bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị, mà còn truyền đạt thông tin giữa bệnh nhân với bác sĩ. Đồng thời, họ là những người xoa dịu nỗi đau cho các bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị bệnh.

Do đó kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng nhất khi đi lâm sàng. Ăn mặc chỉnh tề, thái độ lễ phép, ân cần, niềm nở sẽ giúp các bạn có được niềm tin của các anh chị nhân viên và bệnh nhân. Khi hỏi thông tin để lập kế hoạch chăm sóc, các bạn nên chuẩn bị trước những câu hỏi cần hỏi và nên đi theo nhóm để tránh hỏi bệnh nhân nhiều lần, ghi chép lại để tránh bỏ sót thông tin. Nên đọc trước tài liệu về bệnh đó và tham khảo thêm bệnh án. Tránh việc trêu đùa trong phòng bệnh, tránh bàn luận về tình trạng bệnh trước mặt người bệnh, tránh “hội chứng hành lang”.

1.8. Thực hành chủ động và cụ thể

Học đi đôi với hành. Sinh viên phải chủ động thực hiện các kỹ thuật điều dưỡng trên người bệnh dưới sự hướng dẫn của giảng viên và các anh chị điều dưỡng tại bệnh phòng. Mỗi bệnh nhân, mỗi mặt bệnh… đều có những đặc điểm riêng, do đó cần cụ thể. Ví dụ: bệnh nhân sốt cao thì nhiệt độ cụ thể.

Cần chủ động hỏi những điều các bạn chưa rõ, tham khảo thêm bệnh án, hồ sơ điều dưỡng. Số lượng sinh viên thực tập tại bệnh viện đông, đến từ nhiều trường khác nhau, các bạn cần có sự chủ động và tranh thủ thời gian rảnh để thực hành tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh, trao đổi bài với nhóm.

1.9. Tự bảo vệ mình

Điều dưỡng là những người tiếp xúc hàng ngày với người bệnh và trực tiếp thực hiện các kỹ thuật trên người bệnh. Vì thế, các bạn phải cẩn thẩn, chỉ thực hiện các kỹ thuật các quy trình các bạn nắm rõ dưới sự hướng dẫn của điều dưỡng tại bệnh phòng. Đeo găng tay khi tiêm truyền, mang khẩu trang đặc biệt ở những khoa như Hô hấp, Cấp cứu… Nếu tay có vết thương, vết xây xước, nên băng bó lại, dán urgo. Khi xảy ra các sự cố như bị kim tiêm đâm vào tay, các bạn nặn máu, rửa tay dưới vòi nước, sát khuẩn bằng cồn, báo ngay cho điều dưỡng tại bệnh phòng và giảng viên hướng dẫn.

chuẩn bị những gì khi đi thực tập lâm sàng tại bệnh viện
Sinh viên ngành Y cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức, sức khỏe, tâm lý khi đi thực tập tại bệnh viện (Ảnh minh họa)

2. Các vấn đề cần biết khi thực tập

2.1. Tổng quát về bệnh viện

– Phân bố phòng trong bệnh viện như thế nào?
– X quang, CT, Siêu âm, MRI ở đâu?
– Khu khám bệnh, khu đóng tiền viện phí ở đâu?
– Cantin, toilet ở đâu?
– Từ tầng trệt lên có bao nhiêu con đường? (Bao nhiêu cầu thang + thang máy)
– Thang máy nào dùng chung, thang máy nào cho cán bộ bệnh nhân.
– SĐT gọi thang máy cho chuyển bệnh

2.2. Khoa

– Khoa đó tên tiếng anh là gì?
– Trưởng khoa là ai?
– Một khoa có bao nhiêu bác sỹ, bao nhiêu điều dưỡng, hộ lý
– Khoa có bao nhiêu phòng? Đang có bao nhiêu bệnh nhân?
– Phòng hành chánh – khu hành chánh – các phòng phụ (phòng ĐD, phòng BS, kho, máy ECG, các đồ dụng cụ điều dưỡng)
– Thuốc sử dụng ở khoa bao gồm? Cách sử dụng? (Uống – pha – chích)
– Bình rửa tay trước cửa phòng
– Bệnh nào là bệnh nhiễm cần đề phòng? (HIV, Lao …).

2.3. Kỹ năng

– Luôn nở 1 nụ cười thân thiện.

– Tạo lòng tin và thiện cảm với bệnh nhân

– Hỏi bệnh (giao tiếp)

+ Lý do vào viện
+ Nhập viện hồi nào?
+ Bác sỹ đã khám chưa? Tư vấn gì?
+ Ăn uống (ăn gì, bao nhiêu, mấy giờ)
+ Ngủ nghỉ (ngủ được không, cần lót nhiều gối không, ngủ gác chân, ngủ bị giật mình, ngáy, khò khè khi ngủ, …).

– Hỗ trợ các chị điều dưỡng

+ Pha thuốc
+ Thay dịch truyền
+ Lắp dịch truyền
+ Tiêm bắp
+ Tiêm kim luồn
+ Tiêm mạch.
+ Đo ECG
+ Gửi xét nghiệm hóa sinh – công thức máu cho đúng chỗ
+ Thay drap giường
+ Thay rửa vết thương
+ Sao thuốc
+ Cho bệnh nhân thở khí dung
+ Cho bệnh nhân thở Oxy
+ Chích insulin (dưới da) – bút insulin
+ Chích đường huyết bằng máy cầm tay
+ Hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc uống, tư vấn ăn uống
+ Hướng dẫn bệnh nhân đóng tiền viện phí, đóng tạm ứng.
+ Tư vấn bệnh nhân có điều gì khác biệt của BHYT và không BHYT. Hướng dẫn đi đúng tuyến để hưởng BHYT mức cao nhất.

2.4. Đem gì?

– Áo + nón blouse + quần trắng
– Ống nghe
– Máy đo huyết áp
– Nhiệt kế

Với tất cả những thông tin cung cấp trên phần nào giúp cho sinh viên biết thêm được những kinh nghiệm trong khi đi thực tập lâm sàng để đạt được kết quả cao. Hy vọng các bạn không những học được những điều hữu ích, chuẩn bị hành trang cho nghề nghiệp trong tương lai mà còn để lại ấn tượng tốt cho thầy cô, nhân viên bệnh viện, bạn bè, bệnh nhân ở kiến thức, kỹ năng và nhất là ý thức học tập tốt ngay từ ban đầu.

Hy vọng đây sẽ là thông tin hữu ích dựa trên cơ sở đó sinh viên sẽ xác định được bản thân mình cần phải làm gì khi theo học ngành Điều dưỡng.

Creat by Duc Minh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *