Đối với sinh viên Cao đẳng Dược ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, việc nhận thức “vai trò của Dược sĩ trong việc tư vấn sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả” là điều rất quan trọng. Để sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả, các Dược sĩ có thể hỗ trợ và khuyến khích bệnh nhân bằng cách xác định rõ ràng và đầy đủ các rào cản trong việc tuân thủ thuốc.  Hãy tìm hiểu các chiến lược thể hiện vai trò quan trọng của dược sĩ cộng đồng trong việc tuân thủ thuốc của bệnh nhân, bao gồm tham gia vào quá trình điều trị.

vai trò cảu dược sĩ trong việc sử dụng thuốc
Vai trò của Dược sĩ trong việc tư vấn sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả (minh họa)

Không tuân thủ thuốc là một trong những lý do quan trọng trong sự thất bại của điều trị. Ở những quốc gia mà dược phẩm luôn có sẵn để đáp ứng nhu cầu điều trị của phần lớn dân số, cải thiện sự tuân thủ “là chiến lược đem lại hiệu quả đến sức khỏe của người dân lớn hơn bất kỳ sự cải thiện nào trong các phương pháp điều trị y khoa cụ thể.” Sự tuân thủ điều trị tối ưu có thể được tóm tắt như sau:

● Dùng đúng thuốc;
● Vào đúng thời điểm;
● Với liều lượng thích hợp;
● Trong đúng thời gian chỉ định;
● Không tự dùng thêm bất kỳ thuốc nào.

Thực hiện tối ưu và kiên trì điều trị sẽ giúp bệnh nhân đạt được kết quả lâm sàng tốt hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Không tuân thủ

Không tuân thủ có thể cố ý (tức là bệnh nhân không bắt đầu điều trị vì họ không đồng ý với chẩn đoán, hoặc họ tự ý thay đổi liều lượng, vv) hoặc không cố ý (tức là bệnh nhân quên uống thuốc theo đúng quy định hoặc dùng sai liều do phác đồ quá phức tạp đối với khả năng của bệnh nhân). Bệnh nhân có thể cố ý và không cố ý không tuân thủ cùng một lúc đối với các loại thuốc khác nhau.

Lý do không tuân thủ khá đa dạng, và bắt nguồn từ cả 2 phía: bệnh nhân và chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Đối với bệnh nhân, có thể kể đến các yếu tố chính: hết triệu chứng bệnh, thiếu nhận thức về vấn đề sức khỏe, thiếu tin tưởng vào liệu pháp điều trị, cũng như các vấn đề liên quan đến chi phí thuốc và chi phí điều trị cao. Ngoài ra, một số bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm dưới nền của bệnh mãn tính khác có thể không được chẩn đoán và không được điều trị. Ví dụ, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở bệnh nhân bị bệnh tim cao gấp đôi so với dân số nói chung (9,3% so với 4,8%) và tỷ lệ không tuân thủ ở bệnh nhân trầm cảm cũng cao hơn hẳn ở những bệnh nhân không trầm cảm (40% so với 16%). Ở phía còn lại, với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, thiếu thời gian và vấn đề thu nhập có thể ảnh hưởng đến quá trình tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân, làm tăng tỷ lệ không tuân thủ.
Không tuân thủ có khả năng xảy ra cao hơn trong quá trình chuyển đổi sang liệu trình điều trị mới hoặc có sự thay đổi trong quá trình điều trị, chẳng hạn như cuối tuần, ngày lễ, ngày nghỉ hoặc trong thời kỳ bệnh cấp tính. Kết quả là lãng phí thuốc, bệnh nặng hơn, tăng tỷ lệ nhập viện và giảm chất lượng của cuộc sống. Kéo theo gánh nặng trong chi phí không tuân thủ hàng năm trong hệ thống y tế cao. Về mặt này, dược sĩ phải cá nhân hóa các đối tượng bệnh nhân bằng cách điều chỉnh các biện pháp can thiệp cho các dạng bệnh nhân riêng lẻ bên cạnh cấu trúc tư vấn đã được chuẩn hóa.

Yếu tố quyết định sự tuân thủ của bệnh nhân

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có năm bộ yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ, trong đó chỉ có một yếu tố liên quan đến bệnh nhân:

1. Các yếu tố liên quan đến kinh tế và xã hội (ví dụ: tình trạng kinh tế xã hội kém, trình độ học vấn thấp và thất nghiệp);

2. Hệ thống chăm sóc sức khỏe/các yếu tố liên quan đến nhóm chăm sóc sức khỏe (ví dụ: hệ thống phân phối thuốc kém và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bị quá tải);

3. Các yếu tố liên quan đến trị liệu (ví dụ: thời gian điều trị, thất bại điều trị trước đó và thời gian biểu hiện các tác dụng có lợi);

4. Các yếu tố liên quan đến tình trạng bệnh (ví dụ: mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, mức độ tổn thương và khả năng điều trị hiệu quả);

5. Các yếu tố liên quan đến bệnh nhân (ví dụ: không tin vào chẩn đoán, quên và động lực khỏi bệnh thấp).

Theoretical Domains Framework là một lý thuyết miền được xây dựng giúp xác định 14 lĩnh vực lý thuyết cấu thành có thể được sử dụng để đơn giản hóa các vấn đề hành vi liên quan đến tuân thủ thuốc. Trong các lĩnh vực này, phân biệt rõ các yếu tố quyết định có thể thay đổi được (ví dụ: kiến thức và hành vi) từ các yếu tố quyết định không thể biến đổi (ví dụ: tuổi tác, tình hình tài chính và trình độ học vấn). Theo kết quả của lý thuyết, các biện pháp can thiệp tuân thủ thuốc phải tập trung giải quyết các yếu tố quyết định có thể thay đổi và được điều chỉnh phù hợp với những yếu tố không thể biến đổi. Ví dụ, những bệnh nhân không tuân thủ thuốc vì ảnh hưởng xã hội (ví dụ như gặp biến cố gia đình) có thể được cải thiện từ sự can thiệp của gia đình hoặc các chương trình cộng đồng.

Sự can thiệp của Dược sĩ

Nhiều chương trình can thiệp bởi dược sĩ tới hiệu quả tuân thủ thuốc của bệnh nhân đã và đang được phát triển kèm theo các dịch vụ mới đã được thực hiện tại Anh và trên thế giới. Chẳng hạn như đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc, quản lý thuốc và tăng cường tư vấn bệnh nhân. Mặc dù các biện pháp can thiệp bởi dược sĩ đã được liên tục tái cấu trúc để phù hợp với thực hành lâm sàng hàng ngày, song tuân thủ thuốc vẫn là một vấn đề chưa được giải quyết một cách thực sự hiệu quả, ngay cả trong các thử nghiệm lâm sàng.

Dược sĩ cộng đồng là những chuyên gia chăm sóc sức khỏe cuối cùng giao tiếp với bệnh nhân trước khi họ sử dụng thuốc do đó, điều này có thể ảnh hưởng đến nhận thức của bệnh nhân về liệu pháp điều trị. Dược sĩ có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của bệnh nhân tùy thuộc vào việc dược sĩ có tự tin vào hiệu quả điều trị và có tư vấn nhiệt tình cho bệnh nhân hay không. Khi các dược sĩ cộng đồng đối mặt với bệnh nhân, họ thường ít khi dành thời gian để phân biệt về tình trạng của bệnh nhân, điều này cũng đòi hỏi sự khéo léo, khả năng quan sát và đánh giá của dược sĩ.

Niềm tin của bệnh nhân vào nhân viên y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe là rất quan trọng cho việc tuân thủ thuốc và cho kết quả điều trị tối ưu. Các buổi tư vấn giữa các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân nếu được tiến hành đúng cách sẽ làm tăng sự tin tưởng của người bệnh.

Niềm tin liên quan đến những yếu tố sau:

  • Chân thành – ưu tiên và ủng hộ lợi ích hoặc phúc lợi của bệnh nhân, không để xung đột với lợi ích của bản thân
  • Năng lực – có kỹ năng thực hành tốt và kỹ năng giao tiếp, đưa ra quyết định đúng đắn và tránh các sai lầm;
  • Trung thực – nói đúng sự thật và tránh nói dối bệnh nhân;
  • Bảo mật – cẩn trọng với những thông tin nhạy cảm.

Mặc dù các cuộc tư vấn của nhà thuốc thường rất ngắn, nhưng hãy ưu tiên việc xây dựng niềm tin như là điều kiện tiên quyết của mọi cuộc thảo luận với bệnh nhân. Trung bình, dược sĩ chỉ có một vài phút cho mỗi lần tư vấn. Tuy nhiên, nếu tập trung vào mục tiêu, vẫn có thể là đủ để tác động vào niềm tin của bệnh nhân, vì đơn giản là có nhiều thời gian hơn không hẳn cuộc tư vấn sẽ tốt hơn.

Để có hiệu quả, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nói chung phải tận dụng từng phút của cuộc tư vấn bằng cách tập trung vào bệnh nhân. Mỗi cuộc tư vấn phải được chuẩn bị tốt và các khía cạnh tích cực cần phải được truyền đạt tới bệnh nhân. “Nói những điều đúng là không đủ – chúng phải được nói đúng cách, vì vậy bệnh nhân mới cảm thấy có thêm động lực điều trị.”

Vài trò của Dược sĩ trogn việc tư vấn sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả

Giao tiếp hiệu quả với bệnh nhân

Trong báo cáo năm 2018 về vai trò của dược sĩ trong việc thúc đẩy sự tuân thủ, Liên đoàn dược phẩm quốc tế (International Pharmaceutical Federation) đã xác định ba yếu tố đan xen của tất cả các thiết lập và can thiệp thành công là:

  • Tất cả các nhân viên chăm sóc sức khỏe giao tiếp hiệu quả với bệnh nhân và người chăm sóc;
  • Với những bệnh nhân lớn tuổi, hãy hướng dẫn dễ dàng nhất có thể để bệnh nhân uống thuốc đúng cách;
  • Duy trì nỗ lực, vì không có can thiệp nào bền vững mãi mãi nếu không duy trì.

Khi nói đến việc đưa ra quyết định, 79% bệnh nhân lựa chọn vai trò tích cực và việc thiết lập mục tiêu chung là một trong những yếu tố quyết định của một can thiệp thành công từ dược sĩ. Khi chuyên gia chăm sóc sức khỏe thành công trong cải thiện sự chủ động của bệnh nhân để họ có ý thức chịu trách nhiệm về điều trị riêng của họ, bệnh nhân cũng cần sự hỗ trợ từ những người xung quanh và các chương trình đồng hành từ cộng đồng.

Đánh giá sự tuân thủ và không tuân thủ

Khi bệnh nhân thất bại trong các phác đồ điều trị nhưng không xác định được nguyên nhân rõ ràng, điều quan trọng là phải đánh giá tuân thủ thuốc trước khi thay đổi phác đồ để tránh “leo thang” điều trị. Các dược sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá tuân thủ thuốc. Ví dụ, các biện pháp trực tiếp chẳng hạn như xét nghiệm hoặc sử dụng các loại thuốc kỹ thuật số có gắn kèm chip theo dõi để kiểm tra xem thuốc có được dùng đúng cách. Đây là những phương pháp tin cậy nhưng chưa phải là lựa chọn thực tế nhất. Các biện pháp gián tiếp, như sử dụng bảng câu hỏi với chi phí thấp và dễ sử dụng. Hoặc sử dụng các thiết bị theo dõi điện tử – biện pháp khách quan nhất và nên được dùng kèm theo bảng câu hỏi.

Vai trò của Dược sĩ

Các biện pháp tuân thủ không nên được sử dụng như những công cụ để kiểm soát bệnh nhân, mà là để giúp các nhân viên chăm sóc sức khỏe tìm ra vấn đề trong điều trị. Do đó, các dược sĩ nên xem đây là hành động mang tính hỗ trợ chứ không phải là một hành động “cưỡng bức” bệnh nhân. Không tuân thủ thuốc là một vấn đề phức tạp và không có một giải pháp phù hợp với mọi đối tượng bệnh nhân. Dược sĩ cần có đầy đủ kiến thức, động lực và giành được niềm tin của bệnh nhân trước khi bắt đầu can thiệp hỗ trợ.

Một quy trình tư vấn can thiệp ngắn gồm ba bước:

  • Bắt đầu bằng việc dược sĩ giới thiệu và xây dựng lòng tin nơi bệnh nhân
  • Tiếp theo là đánh giá lịch sử dùng thuốc
  • Đưa ra các can thiệp hỗ trợ và đặt mục tiêu tuân thủ thuốc cho bệnh nhân

Trong quá trình can thiệp, dược sĩ sẽ tìm ra các khó khăn trong quá trình sử dụng, hiểu lầm hoặc các vấn đề khác và giải quyết các vấn đề đó cho bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân mới bắt đầu điều trị, việc tư vấn thường dựa trên các dữ liệu y học thực chứng. Động lực điều trị vẫn là vấn đề then chốt cho sự kiên trì của bệnh nhân trong phác đồ. Do vậy, mỗi buổi tư vấn nên kết thúc bằng cách thống nhất về một mục tiêu chung cho đến lần tái khám sau.

Duy trì thói quen tuân thủ thuốc của bệnh nhân bằng cách sử dụng các công cụ hỗ trợ tuân thủ, chẳng hạn như biểu đồ nhắc nhở uống thuốc, có thể được sử dụng để đánh giá việc dùng thuốc và cung cấp phản hồi về sự tuân thủ của bệnh nhân. Những công cụ tương tự thế này cho phép các dược sĩ can thiệp và giáo dục bệnh nhân về tầm quan trọng của việc uống thuốc theo hướng dẫn. Để tránh những khó khăn và nhầm lẫn, cần hỗ trợ tuân thủ với bất kỳ liệu pháp phức tạp nào (ví dụ: phân biệt giờ uống và liều lượng theo màu của từng loại thuốc uống). Trong trường hợp cố ý không tuân thủ, nên cùng bệnh nhân đánh giá lại động lực trong điều trị.

Với thái độ đặt bệnh nhân làm trung tâm và cùng thảo luận về mục tiêu chung, dược sĩ có thể giúp bệnh nhân quản lý tình trạng bệnh tật của họ. Tuy nhiên, dược sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên ghi nhớ rằng những thay đổi trong đời sống của bệnh nhân có thể ảnh hưởng đến việc tuân thủ thuốc của họ, ngay cả khi bệnh nhân đã dùng thuốc trong một thời gian dài. Do đó, mỗi cuộc khám và tư vấn với bệnh nhân luôn là cơ hội để kiểm tra vấn đề sử dụng thuốc cũng như can thiệp cải thiện sự tuân thủ ở bệnh nhân.

Creat by: Tạ Đức Mạnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *